Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý, điều hành ngân sách và tài chính. Đặc biệt, tại các đơn vị liên quan đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, kho bạc đều “ghi điểm” bởi những kết quả đạt được từ những nỗ lực qua từng tháng, từng năm. Những kết quả của công tác cải cách, hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc được đong đếm với những con số hết sức cụ thể. |
|
Trong lĩnh vực thuế, về khai thuế điện tử cho doanh nghiệp, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Về nộp thuế điện tử, cơ quan thuế đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 843.663 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 99%. Từ ngày 1/1/2022 đến nay, số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 841.643 doanh nghiệp, đạt 98,8% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua hơn 1 triệu giao dịch nộp thuế điện tử, với số tiền trên 122.684 tỷ đồng và 5.870.482 USD. Về hoàn thuế điện tử, tính từ đầu năm đến nay, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 2.411 trên tổng số 2.432 doanh nghiệp hoàn thuế, đạt 99,1%; tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 1.567 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 10.353 tỷ đồng. Tháng 3/2022, Tổng cục Thuế cũng đã công bố, đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; đưa vào triển khai ứng dụng etax Mobile, hướng đến hỗ trợ các đối tượng người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh có thể khai, nộp thuế bằng phương thức điện tử thông qua điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Với khoảng trên 64% dân số Việt Nam đang sở hữu Smartphone, việc triển khai ứng dụng eTax Mobile sẽ cung cấp thêm sự lựa chọn tối ưu cho người dân khi thực hiện nghĩa vụ thuế mà không phải đến trực tiếp cơ quan thuế, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Đáng chú ý, một trong những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa ngành, góp phần công khai, minh bạch trong quản lý thuế đó là triển khai hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố (giai đoạn 1), đã có trên 489.000 doanh nghiệp đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 57 tỉnh, thành phố, dự kiến triển khai trên toàn quốc từ tháng 4/2022. Sự kiện kích hoạt hóa đơn điện tử có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ đã ghi dấu mốc quan trọng của giai đoạn 1 thành công, tạo đà cho triển khai trên toàn quốc. |
Việc áp dụng hóa đơn điện tử đã thúc đẩy xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, đất đai… hướng tới xây dựng hệ sinh thái số; đổi mới công tác quản lý nhà nước trên nhiều ngành, lĩnh vực; thúc đẩy phát triển chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Có mặt tại lễ công bố kích hoạt hóa đơn điện tử trên toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính nói chung và cơ quan Thuế nói riêng. Thủ tướng yêu cầu, ngành Thuế cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, bảo đảm việc kê khai thuế nộp thuế điện tử đơn giản và dễ dàng nhất; phấn đấu đến cuối năm 2022, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. |
|
Cơ quan hải quan từ nhiều năm qua liên tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Về Cơ chế một cửa quốc gia đến nay đã phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thành triển khai các thủ tục hành chính (TTHC) trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2022. Tính đến nay, có 244 TTHC của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với xấp xỉ 4,9 triệu hồ sơ của trên 51,8 nghìn doanh nghiệp tham gia. Trong quý I năm 2022, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN. Đang triển khai kết nối thử nghiệm trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo kế hoạch của ASEAN, hoàn thành trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á – Âu qua kênh truyền Internet mở, cũng như hoàn thành thiết lập kênh kết nối an toàn và đang trao đổi thử nghiệm qua kênh kết nối an toàn. Về Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan, cơ quan hải quan tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Đến nay, ngành Hải quan đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 cục hải quan tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cảng, kho, bãi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan hải quan. Vừa qua, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã chính thức được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phê duyệt với nhiều tiêu chí rất cụ thể được đặt ra. Việc chuyển đổi số theo những tiêu chí này trước tiên hướng tới việc đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, nâng cao năng suất lao động của cán bộ công chức hải quan. Đó là tiền đề cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Với tham vọng hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ), việc chuyển đổi số giúp cho các thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện thông qua hệ thống công nghệ thông tin và nguồn dữ liệu lớn với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các công nghệ mới. |
Trong lĩnh vực kho bạc nhà nước (KBNN), thực hiện triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) trong toàn hệ thống kho bạc đã giúp gắn kết các khâu của quy trình quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), đặc biệt là giữa khâu thực hiện với các khâu khác của quy trình quản lý; cải cách công tác kế toán NSNN, chuyển từ kế toán tiền mặt sang kế toán tiền mặt điều chỉnh; đồng thời, hỗ trợ các bộ, ngành trong việc phân bổ NSNN. Trong công tác thu, chi NSNN, đã phối hợp chặt chẽ với các hệ thống ngân hàng để đảm bảo công tác thu, chi, thanh toán được thông suốt, tạo thuận lợi cho người nộp NSNN và thanh toán chi trả kịp thời cho các đối tượng hưởng NSNN; duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán trong nội bộ hệ thống KBNN và thanh toán với các hệ thống ngân hàng đảm bảo thông suốt, kịp thời và an toàn. Theo lộ trình, đề án KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng kho bạc số toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử vào năm 2025. Sau năm 2025 sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, đến năm 2030 hoàn thành xây dựng kho bạc số. |
|
Những nỗ lực, kết quả trong công cuộc xây dựng bộ tài chính điện tử hướng tới bộ tài chính số trong suốt những năm vừa qua đã được đánh giá, ghi nhận bằng kết quả là 8 năm liên tiếp từ 2013 đến năm 2021, Bộ Tài chính luôn đứng đầu Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) của khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Năm 2020, Bộ Tài chính lần đầu tiên được vinh danh xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số. Những kết quả đó vừa là động lực nhưng cũng là áp lực đối với ngành Tài chính. Thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên và phát triển theo hướng hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước của bộ. Ứng dụng công nghệ thông tin, các quy trình giải quyết công việc đã được Bộ Tài chính xây dựng và áp dụng khoa học, tuân thủ quy định của pháp luật và của ngành Tài chính, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ công chức và các cơ quan, doanh nghiệp. Nhờ đó, chất lượng hiệu quả của các hoạt động tác nghiệp, nghiệp vụ được nâng cao, không còn tình trạng tồn đọng giải quyết hồ sơ, khắc phục hạn chế ở mức thấp nhất những sai sót không đáng có. Thời gian giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp được rút ngắn hơn, công khai, minh bạch và luôn đúng quy định của pháp luật. |
Trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030, một trong 3 đột phá chiến lược của ngành Tài chính đó là đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số. Chiến lược đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, thực hiện hiện đại hóa nền tài chính quốc gia. Theo đó, xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp công khai, minh bạch và hiệu quả; xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới; dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số với mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số, góp phần hình thành kho bạc số vào năm 2030; đẩy mạnh hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng dự trữ quốc gia, quản lý giám sát thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại, hiệu quả./. |
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam